3 chính sách mới về BHYT có hiệu lực từ tháng 3/2021
Tháng 3/2021 tới đây là thời điểm có hiệu lực của Thông tư 27/2020/TT-BYT và Thông tư 30/2020/TT-BYT. Theo đó, nhiều chính sách mới về Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được áp dụng từ tháng 3 này.
1/ Hướng dẫn mới về thanh toán thuốc đông y, vị thuốc y học cổ truyền
Nội dung này được ghi nhận tại Thông tư 27/2020/TT-BYT, thay thế cho Điều 5 Thông tư 05/2015/TT-BYT.
Theo đó, Qũy BHYT vẫn thanh toán chi phí thuốc; vị thuốc, thuốc thang sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB); và thuốc do cơ sở KCB tự bào chế dựa vào số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh, giá mua vào; chi phí hao hụt theo quy định và các chi phí khác.
Tuy nhiên, quy định mới đã có sự điều chỉnh về các loại chi phí được Qũy BHYT thanh toán với các trường hợp sau:
* Đối với vị thuốc: Trường hợp cơ sở KCB mua dược liệu để chế biến, bào chế vị thuốc; Qũy BHYT thanh toán chi phí dược liệu theo giá mua vào của KCB và các chi phí sau:
+ Hao hụt trong chế biến, bảo quản, cân chia (nếu có);
+ Phụ liệu làm thuốc (quy định mới);
+ Chế biến, bào chế bao gồm điện, nước, nhiên liệu (quy định mới);
+ Bao bì đóng gói (nếu có) (quy định mới);
+ Chi phí nhân công thực hiện (quy định mới);
+ Chi phí quản lý và chi phí khấu hao máy móc (quy định mới);
* Đối với thang thuốc có thành phần từ các vị thuốc trong Danh mục quy định: Thanh toán các chi phí:
– Vị thuốc theo quy định mới;
– Chi phí sắc thuốc;
– Chi phí bao bì đóng gói (nếu có) khi cơ sở KCB không thực hiện sắc thuốc tại cơ sở cho người bệnh. (Trước đây cơ sở KCB chỉ được thanh toán chi phí đóng gói bao bì khi tổ chức sắc thuốc tại cơ sở).
* Đối với thuốc do cơ sở KCB tự bào chế: Được thanh toán Chi Phí:
– Dược liệu theo giá mua vào của cơ sở KCB hoặc chi phí vị thuốc theo quy định;
– Hao hụt (nếu có);
– Tá dược, phụ liệu làm thuốc;
– Chế biến, bào chế bao gồm điện, nước, nhiên liệu;
– Bao bì đóng gói;
– Vật tư, hóa chất, phụ liệu phục vụ hoạt động kiểm tra chất lượng trước khi thực hiện kiểm nghiệm (nếu có) (quy định mới);
– Kiểm nghiệm về chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền;
– Nhân công thực hiện (quy định mới);
– Quản lý và chi phí khấu hao máy móc (quy định mới).
Quy định này được áp dụng từ ngày 01/3/2021 – ngày Thông tư 27/2020/TT-BYT có hiệu lực.
2/ Thêm nhiều trường hợp KCB đúng tuyến từ 01/3/2021
Điều 6 Thông tư 30/2020/TT-BYT quy định chi tiết một số Điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT đã liệt kê cụ thể 08 trường hợp được xác định là KCB đúng tuyến, gồm:
– Người tham gia BHYT đến khám chữa bệnh đúng cơ sở ghi trên thẻ BHYT;
– Đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám ở các cơ sở khác cùng tuyến trên địa bàn tỉnh;
– Người tham gia BHYT trong tình trạng cấp cứu được khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở nào trên phạm vi toàn quốc;
– Người tham gia BHYT được chuyển tuyến;
– Trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra (quy định mới).
– Người có giấy tờ chứng minh đang ở tại địa phương khác trong thời gian công tác; làm việc lưu động; tạm trú… và khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến; hoặc tương đương cơ sở đăng ký ban đầu ghi trên thẻ BHYT;
– Người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến theo quy định (quy định mới);
– Người hiến bộ phận cơ thể mình phải điều trị ngay khi hiến bộ phận cơ thể (quy định mới);
Như vậy, Thông tư 30/2020/TT-BYT đã ghi nhận thêm 03 trường hợp được xác định là khám chữa bệnh đúng tuyến.
3/ Hướng dẫn cụ thể về việc đóng BHYT đối với một số đối tượng
Đây là một trong những nội dung mới được ghi nhận tại Thông tư 30/2020/TT-BYT. Cụ thể:
Với trẻ sơ sinh cần điều trị ngay kể từ khi được sinh ra mà tử vong:
Căn cứ Điều 3 Thông tư này, cơ sở KCB phải gửi văn bản thông báo kèm Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án của trẻ đến cơ quan BHXH nơi ký hợp đồng KCB BHYT để cơ quan BHXH lập danh sách.
Danh sách này sẽ được gửi Sở Tài chính nơi người mẹ cư trú; hoặc Sở Tài chính nơi cơ sở KCB đặt trụ sở (với trẻ sơ sinh không có người nhận hoặc bị bỏ rơi tại cơ sở KCB) để Sở Tài chính chuyển kinh phí đóng BHYT.
Với chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người sống trong cơ sở bảo trợ xã hội
Theo Điều 4 Thông tư 30, những đối tượng này tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình căn cứ vào một trong các giấy tờ sau:
– Chức sắc, chức việc, nhà tu hành: sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú; hoặc danh sách có đóng dấu của tổ chức tôn giáo trực tiếp quản lý chức sắc, chức việc, nhà tu hành;
– Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội: sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú; hoặc danh sách có đóng dấu của cơ sở bảo trợ xã hội nơi người đó đang cư trú.
Các đối tượng trên đều được thực hiện việc giảm trừ mức đóng BHYT; ngay từ người thứ hai trở đi có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc trong danh sách có đóng dấu của tổ chức tôn giáo, cơ sở bảo trợ xã hội.
Trên đây là 3 chính sách mới về BHYT được áp dụng từ 01/3/2021. Với các quy định mới này, việc thực hiện các chính sách về BHYT sẽ dễ dàng hơn, đồng thời người dân cũng có thêm quyền lợi khi đi KCB
Theo nguồn Luật Việt Nam
Bài viết tham khảo: