05 khoản bồi thường thiệt hại mà doanh nghiệp và người lao động cần biết
Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), giữa doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) có thể sẽ phát sinh một số trách nhiệm bồi thường như bồi thường khi chấm dứt HĐLĐ trái luật, bồi thường do làm hư hỏng tài sản của công ty, bồi thường khi NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…Bài viết sau đây sẽ nêu rõ vấn đề trên:
1. Bồi thường thiệt hại do người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật
Theo quy định tại Điều 37; 41 và 43 Bộ luật lao động 2012; Điều 49 Luật việc làm 2013, trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật thì NLĐ sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp và phải bồi thường cho doanh nghiệp các khoản sau:
– Nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ;
– Bồi thường cho doanh nghiệp một khoản tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước (đối với trường hợp có vi phạm về thời hạn báo trước);
– Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho doanh nghiệp (nếu có).
2. Bồi thường thiệt hại do doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật
Khi có hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì doanh nghiệp có nghĩa vụ tiên quyết là bồi thường cho NLĐ khoản tiền bằng tiền lương trong những ngày họ không được làm việc, cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ.
Đồng thời, doanh nghiệp có trách nhiệm nhận NLĐ trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết và tùy vào trường hợp cụ thể mà phải thực hiện thêm một số nghĩa vụ khác bên cạnh nghĩa vụ bồi thường nêu trên.
Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho khoảng thời gian gián đoạn do NLĐ không được làm việc.
Cuối cùng, nếu hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật bao gồm vi phạm quy định về thời hạn báo trước; thì, phải bồi thường thêm cho NLĐ một khoản tiền tương ứng với tiền lương của NLĐ trong những ngày không báo trước.
3. Bồi thường thiệt hại do người lao động làm hư hỏng tài sản của công ty
NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của doanh nghiệp thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tùy vào mức độ gây thiệt hại (gây thiệt không nghiêm trọng, gây thiệt hại nghiêm trọng, gây thiệt hại do sự kiện bất khả kháng) mà trách nhiệm bồi thường thiệt hại của NLĐ không giống nhau.
Quý thành viên có thể tham khảo công việc và bài viết sau:
– Yêu cầu người lao động bồi thường thiệt hại tài sản;
– Bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng tài sản của công ty.
Ngoài ra, hiện nay có nhiều doanh nghiệp tuyển người vào học nghề, tập nghề. Vậy thì trong quá trình đào tạo và làm việc tạo ra sản phẩm nếu người học nghề gây ra thiệt hại thì có phải bồi thường không?
4. Bồi thường chi phí đào tạo khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động
Như đã đề cập ở phần 1, khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì phải hoàn trả chi phí đào tạo cho doanh nghiệp.
Khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ đúng luật thì việc có phải bồi thường hay không phụ thuộc vào cam kết mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng đào tạo. Nếu trong hợp đồng đào tạo quy định trong mọi trường hợp chấm dứt HĐLĐ đều phải bồi thường chi phí đào tạo, thì NLĐ sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo theo cam kết mặc dù chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật.
5. Bồi thường khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm khi NLĐ của mình bị tai nạn lao động hoặc bị bệnh nghề nghiệp.
Đặc biệt, trong trường hợp NLĐ có kết luận mức suy giảm từ 5% trở lên; doanh nghiệp phải thực hiện bồi thường hoặc trợ cấp cho NLĐ bị tai nạn lao động; bệnh nghề nghiệp theo mức suy giảm khả năng lao động tương ứng quy định tại Điều 38 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật lao động 2012.
– Luật việc làm 2013.
– Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015.
Theo nguồn TVPL