Nhân viên trở lại TP.HCM làm việc sau Tết nhưng phải ở nhà cách ly 14 ngày: Công ty có trả lương?
Thời gian qua, người lao động (NLĐ) ở các tỉnh quay lại TP. Hồ Chí Minh làm việc sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch Tân Sửu; nhiều công ty vì đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã yêu cầu NLĐ ở nhà cách ly 14 ngày rồi mới được đến công ty làm việc. Vậy Công ty có trả lương cho nhân viên cách ly tại nhà không?

Có những công ty thực hiện chính sách trả 100% tiền lương cho NLĐ trong những ngày cách ly tại nhà; tuy nhiên, có công ty vì tài chính eo hẹp không trả lương hoặc chỉ hỗ trợ một phần không đáng kể.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết; trường hợp NLĐ không đến công ty làm việc do dịch Covid-19 (phải ở nhà cách ly 14 ngày); có thể áp dụng khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019 để trả lương cho NLĐ trong thời gian ngừng việc này. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống; thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu được thực hiện các mức như sau:
– 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
– 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
– 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
– 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Như vậy, trong thời gian cách ly tại nhà 14 ngày, công ty vẫn phải trả lương cho NLĐ theo mức do hai bên thỏa thuận; nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu nêu trên.
Thứ hai, trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận; nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Như vậy, trong thời gian cách ly tại nhà từ ngày 15 trở lên; công ty có thể trả lương cho NLĐ theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không bị bắt buộc phải bằng mức lương tối thiểu trở lên, có thể là số tiền lương phải trả là 0 đồng.
Theo Như Thiên (Pháp Luật & Bạn Đọc)
Bài viết tham khảo: