QUẢN TRỊ NHÂN SỰ THỜI SUY THOÁI
“Sự thành công của một doanh nghiệp (DN) không chỉ nhờ vốn mạnh, dây chuyền sản xuất hiện đại mà chính là nguồn nhân lực, những người lèo lái đưa DN đến sự thành công”. Bà Nguyễn Ngọc Phương Mai, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tin học Lạc Việt, đã cho biết như vậy tại hội thảo “Quản trị nguồn nhân lực thời suy thoái: Thách thức và giải pháp”.
Hội thảo do Công ty CP Tin học Lạc Việt tổ chức thu hút gần 100 đại biểu tham gia.
Trong giai đoạn khó khăn, các DN thường chọn giải pháp cắt giảm nhân sự nhằm tiết giảm chi phí, tăng cơ hội tồn tại của mình trên thị trường. Thế nhưng đây lại là giải pháp đem đến nhiều rủi ro cho DN. Ông Lê Đức Thuận, Giám đốc lương và phúc lợi vùng Viễn Đông – châu Úc của Công ty Transocean, đã chia sẻ một câu chuyện khiến không ít đại biểu trăn trở.
Đó là năm 1998, khi cuộc khủng hoảng kinh tế từ châu Á lan sang các nước. Khi ấy, với vai trò giám đốc nhân sự của một công ty dầu khí có chi nhánh tại Việt Nam, hằng ngày, ông Thuận luôn nhận được văn bản từ công ty mẹ buộc phải cắt giảm nhân lực. “Trưa mỗi ngày, tôi phải báo cáo số lượng nhân viên buộc phải nghỉ việc về công ty mẹ. Nhìn vào danh sách nhân viên bị cắt giảm, tôi không khỏi xót xa vì họ là những người từng gắn bó với DN. Thời gian cắt giảm nhân sự kéo dài đến cuối năm 2001. Suốt hơn 3 năm ấy, số lượng nhân viên của công ty trên toàn cầu giảm từ 68.000 người xuống chỉ còn 23.000 người” – ông kể.
Khi khủng hoảng kinh tế đi qua, những nhân viên bị công ty cắt giảm ngày trước được mời trở lại. Thế nhưng, họ trả lời: “Khi công ty khó khăn, các anh đẩy chúng tôi ra đường, khi phát triển, các anh lại kêu tôi. Liệu chúng tôi có thể gắn bó với một công ty như thế?”.
Theo các đại biểu, yếu tố giúp DN phát triển bền vững trong thời kỳ suy thoái chính là ổn định được nguồn nhân lực có chất lượng cao. Muốn thế, cần có hệ thống đánh giá nhân viên, xác định được người tài. Ông Ngô Đình Đức, Tổng Giám đốc Công ty L&A, cho rằng trước khi cắt giảm nhân sự, DN cần có hệ thống đánh giá nhân viên. Cần xác định đâu là người tài để giữ lại và cắt giảm những người làm việc không hiệu quả. “Có điểm mà nhiều DN hay quên đó là khen thưởng nhân viên. Việc khen thưởng, động viên bằng nhiều hình thức sẽ giúp họ trụ lại DN”- ông Đức nhấn mạnh.
Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin cũng được xem là cách giúp DN quản trị nguồn nhân lực một cách tập trung, tạo điều kiện cho những người làm công tác nhân sự có hệ thống quản trị dữ liệu chuẩn xác nhất để phát triển và giữ vững nhân tài cho DN. Bà Nguyễn Thị Thanh Dung, Giám đốc Nhân sự Công ty CP Tin học Lạc Việt, cho biết: “Trên thị trường hiện nay có rất nhiều phần mềm chỉ tập trung vào chức năng tính lương, quản lý hồ sơ nhân viên. Trong khi đó, các phần mềm được xem là giải pháp toàn diện phải hỗ trợ được bộ phận nhân sự, tài chính thực thi chính sách phúc lợi kịp thời, chính xác về quản lý thời gian, chấm công, tính lương, thưởng cũng như quản lý năng suất và năng lực của nhân viên…”
Thông qua cổng thông tin nhân sự, hệ thống sẽ tạo ra kênh truyền thông giữa nhân viên và doanh nghiệp, khảo sát được mức độ hài lòng của nhân viên trong quá trình làm việc cũng như giúp nhà quản lý hiểu rõ nhân viên của mình ở mọi lúc, mọi nơi.
Để hỗ trợ DN, Công ty CP Tin học Lạc Việt đã giới thiệu phần mềm Lac Viet HCS (Human Capital Services). Đây là một trong số ít giải pháp tích hợp toàn diện các tính năng liên quan đến việc quản trị nguồn nhân lực. Phần mềm này giúp bộ phận quản trị nguồn nhân lực thiết lập từ điển chỉ tiêu công việc, đánh giá năng lực, phẩm chất, hành vi, kỹ năng nhân viên… “Phần mềm HCS đã tạo những hiệu quả to lớn cho DN trong công tác quản trị nhân sự cũng như quản lý thông tin nhân viên”– ông Nguyễn Duy Ân, Trưởng Phòng Hành chính Công ty Proconco, cho biết.
Bài và ảnh: NGUYÊN KHÔI
Nguồn: nld.com.vn