Đóng BHXH ngắt quãng có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được coi là chiếc “phao cứu sinh” giải quyết khó khăn về tài chính cho người lao động (NLĐ) khi bị thôi việc hoặc mất việc làm. Vậy trường hợp đóng bảo hiểm ngắt quãng có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
1. Khi nào được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm năm 2013; NLĐ tham gia BHTN được hưởng trợ cấp khi có đủ các điều kiện sau:
– Chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc; trừ trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật; hưởng lương hưu; trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
– Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ xác định và không xác định thời hạn.
– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ.
– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ trừ các trường hợp như thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, chết…
2. Đóng bảo hiểm ngắt quãng có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm 2013 đã quy định về thời gian đóng để xét hưởng BHTN:
1. Thời gian đóng BHTN để xét hưởng BHTN là tổng các khoảng thời gian đã đóng BHTN liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng BHTN cho đến khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo quy định này, việc đóng BHTN có thể liên tục hoặc không liên tục đều được cộng từ lúc bắt đầu đóng đến khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc mà chưa được hưởng.
Đồng thời, khoản 2 Điều này cũng ghi nhận, sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp ; thời gian đóng BHTN trước đó không được tính để hưởng trợ cấp cho lần tiếp theo.
Như vậy, NLĐ đóng bảo hiểm ngắt quãng cũng được hưởng trợ cấp nếu đóng bảo hiểm từ đủ 12 tháng trong 24 tháng trước khi nghỉ việc và đáp ứng các điều kiện còn lại tại Điều 49 Luật Việc làm.
3. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp mới nhất
Theo Điều 50 Luật Việc làm, NLĐ đủ điều kiện sẽ được hưởng mức trợ cấp như sau:
Mức trợ cấp hàng tháng | = | 60% | x | Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp |
Trong đó:
– Thời gian hưởng trợ cấp được tính theo số tháng đóng BHTN:
+ Đóng đủ 12 – 36 tháng được hưởng 03 tháng trợ cấp;
+ Sau đó cứ thêm đủ 12 tháng được hưởng thêm 01 tháng (hưởng tối đa 12 tháng).
– Mức hưởng tối đa: Không quá 05 lần mức lương cơ sở (NLĐ theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định); hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng (NLĐ làm việc theo HĐLĐ).
4. Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 61/2020, để được hưởng trợ cấp NLĐ cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm
Thời hạn: Trong 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ; hoặc hợp đồng làm việc mà NLĐ chưa có việc làm và có nhu cầu nhận trợ cấp.
NLĐ phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ hưởng BHTN tới trung tâm dịch vụ việc làm mà mình muốn nhận.
Bước 2: Đến trung tâm dịch vụ việc làm nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo phiếu hẹn.
Bước 3: Trong 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp; NLĐ được nhận trợ cấp tháng đầu tiên từ tổ chức BHXH
Bước 4: Hàng tháng, NLĐ phải đến trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm theo đúng quy định.
Lưu ý: NLĐ được đề nghị hưởng trợ cấp tại bất kì địa phương nào mà mình muốn nhận.
Theo nguồn Luật Việt Nam
Bài viết tham khảo: